Để giúp các em học sinh nắm rõ mọi nội dung về truyện ngắn Vợ Nhặt của tác giả Kim Lân thì hôm nay Gia sư Nhân Đức xin chia sẻ đến các em bài phân tích hay nhất hiện nay để các em tham khảo.
-
I. TÌM HIỂU CHUNG “VỢ NHẶT”
- 1. Tác giả Kim Lân
- Kim Lân là một trong những tác giả tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại, một nhà văn chuyên viết truyện ngắn, chuyên viết về nông thôn, trong đó đi sâu viết về hình tượng người nông dân. Sáng tác không nhiều, nhưng những sáng tác của ông tinh lọc đặc sắc. Kim Lân thuộc ít nhà văn có thể minh chứng cho chân lý “quý hồ tinh bất quý hồ đa” (quý ở sự tinh, không quý ở sự nhiều) trong nghệ thuật.
- Văn Kim Lân nhỏ nhẹ, chậm rãi, hóm hỉnh, giàu xúc cảm, nhà văn Nguyễn Khải đã từng coi Kim Lân là một trong số ít nhà văn có tài thiên phí, dường như “ không phải người viết mà là thần viết, thần mượn tay người để viết lên những trang sách bất hủ”
- Kim Lân dành nhiều trang viết cho những mảnh đời nghèo khổ, văn của ông thấm đẫm tình thương dành cho những người dưới đáy xã hội luôn hi vọng cho họ một sự đổi đời, thông qua đó đề cập tới những vấn đề nhân sinh
- Tham gia hội Văn hóa cứu quốc, làm báo, viết văn, Kim Lân còn là một nhà văn có khả năng diễn xuất giỏi, từng đảm nhận vai diễn Lão Hạc trong phim “Làng Vũ Đại ngày ấy”, vai Thống lí Pá Tra trong “Vợ chồng A Phủ”, Lí Cựu trong phim “Chị Dậu”.
* Nhận xét về nhà văn Kim Lân:
- Hữu Thỉnh nhận xét: “Nhà văn Kim Lân đã cống hiến trọn đời cho nền văn học mới, nêu một tấm gương cao đẹp về lòng yêu mến, gắn bó mật thiết với cách mạng và kháng chiến, kiên định, vững vàng về bản lĩnh nhà văn để lại cho hậu thế những tác phẩm đặc sắc, có sức sống lâu dài, làm giàu thêm văn chương Việt, tâm hồn Việt”.
- Giáo sư Phong Lê khẳng định: “Nhà văn Kim Lân chỉ viết những gì mình thuộc, không tuyên ngôn, không phô trương ồn ào mà chỉ muốn là một người viết khiêm nhường. Phải chăng đó cũng là một trong những nguyên cớ khiến Kim Lân kiên trì chủ trương viết ít.”
- Nhà phê bình văn học Lê Thành Nghị cho rằng: “Nhà văn Kim Lân viết không nhiều và chuyên về một thể loại, lại “gác bút” sớm nhưng dấu ấn của ông để lại trong lòng độc giả thì rất sâu đậm. Chỉ với 3 thiên truyện: “Vợ nhặt”, “Làng”, “Con chó xấu xí”… câu chữ của Kim Lân “gan lỳ” thách thức thời gian, đi vào chỗ sâu nhất của tâm trí người đọc.”
- 2. Tác phẩm Vợ Nhặt
- a. Hoàn cảnh sáng tác:
- Tác phẩm đề cập đến nạn đói năm 1945. Năm 1940, Nhật xâm chiếm Đông Dương bắt nhân dân ta nhổ lúa trồng đay. Bọn thực dân sau khi thua ở Đông Dương, ra sức bóc lột nhân dân để chuẩn bị cho cuộc chiến tranh mới, bọn địa chủ cường hào ở nông thôn ngày càng ức hiếp dân lành. Mất mùa vì hạn hán, lũ lụt xảy ra thường xuyên. Đến năm 1945, nạn đói chưa từng có trong lịch sử đã cướp đi sinh mạng của hơn hai triệu đồng bào ta. Những cảnh chết đường chết chợ, tha phương cầu thực diễn ra hết sức thê lương.
- Truyện ngắn “Vợ nhặt” tiền thân là một truyện dài nằm trong dự định của Kim Lân – tiểu thuyết “Xóm ngụ cư”. Sau khi hòa bình lập lại năm 1954, dựa vào một phần cốt truyện cũ, Kim Lân viết truyện ngắn “Vợ nhặt” in trong tập truyện “Con chó xấu xí” (1962).
* Nhận xét về truyện ngắn “Vợ nhặt”:
- Nhà văn Nguyễn Khải từng phát biểu: “Tôi không tin rằng Nguyễn Tuân viết “Chữ người tử tù” cũng như Kim Lân viết về “Làng” và “Vợ nhặt”. Đó là thần viết, thần mượn tay người để viết nên những trang bất hủ.” Xét riêng truyện ngắn “Vợ nhặt”, Kim Lân quả thật xứng đáng với lời khen đó. Thiên truyện viết về bóng tối và cái chết mà làm lộ ra ánh sáng, sự sống và tình người bất diệt.
- b. Chủ đề: Truyện tố cáo thực dân, phát xít đẩy dân ta vào cảnh đói thê thảm, ca ngợi những người lao động trong đói khổ vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau, vẫn khát khao sống, khát khao hạnh phúc và hướng về cách mạng đầy tin tưởng.
- c. Ý nghĩa nhan đề
- Nhan đề “Vợ nhặt” tạo được ấn tượng, gây sự chú ý cho người đọc về một tình huống truyện độc đáo. “Vợ nhặt” là vợ không được cưới xin theo phong tục truyền thống.
- Nhan đề “Vợ nhặt” rất phù hợp cho nội dung câu chuyện: Tràng ngờ nghệch, xấu xí, nghèo khổ, không ai lấy bỗng nhặt được vợ một cách dễ dàng chỉ bằng bốn bát bánh đúc và một câu nói nửa đùa nửa thật.
- Hai chữ “Vợ nhặt” gợi sự rẻ rúng, nhỏ nhoi như cọng rơm cọng rác của thân phận con người trong hoàn cảnh nước mất nhà tan bị đẩy vào nạn đói khủng khiếp tô đậm giá trị hiện thực của câu chuyện.
- Nhan đề thể hiện sự cưu mang đùm bọc, trân trọng, yêu thương của con người dành cho nhau, góp phần tô đậm giá trị hiện thực và làm tăng giá trị nhân đạo của tác phẩm.
- d. Tóm tắt truyện
Truyện kể về nạn đói năm 1945 ở miền Bắc nước ta. Làng xóm xác xơ tiêu điều, người chết như ngả rạ. Giữa lúc ấy, anh Tràng - một nông dân nghèo, xấu trai, là dân ngụ cư lại dẫn về một cô vợ khiến mọi người ngạc nhiên. Bà cụ Tứ - mẹ anh bất ngờ, nhưng rồi bà cũng mừng vì con trai bà có vợ. Trong bữa cơm ngày đói chỉ có cháo loãng ăn với muối và một đĩa rau chuối thái rối, ít chè khoán, bà cụ Tứ khuyên các con bảo ban nhau làm ăn rồi trời cho khá, nuôi đôi gà sẽ có đàn gà... Cuối truyện là đoàn người đi phá kho thóc của Nhật với lá cờ đỏ bay phấp phới hiện lên trong óc Tràng.
- II. ĐỌC - HIỂU TRUYỆN NGẮN “VỢ NHẶT”
- 1. Tình huống truyện của truyện ngắn “Vợ Nhặt”
- a. Khái niệm:
- Tình huống truyện là sự kiện đặc biệt của đời sống được nhà văn sáng tạo theo lối lạ hóa. Đó là môi trường, hoàn cảnh để nhân vật xuất hiện, tính cách phát triển và dụng ý của nhà văn được bộc lộ sắc nét.
- Nhà văn Nguyễn Minh Châu từng cho rằng: “Tình huống truyện là lát cắt, là khúc của đời sống, nhưng qua đó, ta hiểu được trăm năm của đời thảo mộc”.
- b. Tình huống truyện trong Vợ nhặt:
Tràng xấu xí, nghèo khổ, là dân ngụ cư, tính tình có phần dở hơi nên không ai lấy, bỗng nhặt được vợ dễ dàng, nhanh chóng chỉ bằng bốn bát bánh đúc và một câu nói nửa thật nửa đùa.
- Tình huống lạ lùng: hội tụ nhiều yếu tố để Tràng ế vợ nhưng bỗng nhiên Tràng lại có vợ một cách dễ dàng, nhanh chóng đến bất ngờ.
- Tình huống éo le: Tràng đưa vợ về nhà trong bối cảnh tối sầm lại vì đói khát, con người đứng bên bờ vực của cái chết, làng xóm tiêu điều thê lương.
- Tình huống cảm động: sự cưu mang đầy bao dung, thái độ ân cần, trân trọng của Tràng và bà cụ Tứ đối với người đàn bà.
- Tình huống giàu ý nghĩa: làm nổi bật giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo của tác phẩm.
- c. Ý nghĩa của tình huống
- Tạo cho tác phẩm có được kết cấu chặt chẽ. Các sự việc, các chi tiết khác được kể tới đều xoay quanh tình huống được xây dựng.
- Tố cáo tội ác của bọn thực dân phát xít đẩy con người đến bước đường cùng, biến giá trị con người trở nên rẻ rúng, đáng thương.
- Thể hiện lòng ham sống, bản chất lạc quan, tình người của người lao động đang bị lâm vào cảnh khốn cùng.
- 2. Bức tranh làng quê ngày đói
Cái đói tràn về xóm ngụ cư nghèo nàn: “người sống đi lại dật dờ như những bóng ma, người chết như ngả rạ, âm thanh thê thiết của tiếng quạ kêu ở cây gạo đầu làng, nhà cửa tối om,...”
Hiện thực đen tối của xã hội Việt Nam 1945 được phản ánh chân thực. Cái đói được vẽ lên thành hình, thành màu, thành mùi, thành tiếng, miêu tả rõ khung cảnh chết chóc ghê rợn, ảm đạm, thê lương, tác động sâu sắc tới cảm xúc người đọc.
- 3. Vẻ đẹp tình người giữa ngày đói khổ qua các nhân vật trong tác phẩm “Vợ nhặt”
NHÂN VẬT TRÀNG
* Giới thiệu về ngoại hình, hoàn cảnh, tính cách:
- Dân ta ngày xưa sống trong thuần hậu của làng quê mà lúc đó là “phép vua còn thua lệ làng”. Văn hóa làng xã phát triển đến ăn sâu trog tiềm thức của con. Vậy mà Tràng lại là dân ngụ cư, một gã trai nghèo khổ, làm nghề đẩy xe bò thuê, nuôi mẹ già. Dân ngụ cư là nhưng người vốn từ nơi khác đến. Vì thế, họ không có ruộng đất, những thứ vô cùng quan trọng đối với người nông dân thời xưa. Đã vậy, họ còn bị phân biệt đối xử, thường phải ở nơi bìa làng, hoặc ở chỗ hẻo lánh. Nhà cửa của anh ta, cái được gọi là “nhà” thì luôn vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại. Hơn nữa, vì là dân ngụ cư, Tràng bị coi khinh, chẳng mấy ai thèm nói chuyện, trừ lũ trẻ hay chọc ghẹo khi anh ta đi làm về.
- Tràng xấu xí, thô kệch “hai con mắt nhỏ tí”, “cái đầu trọc nhẵn”, “lưng to rộng như lưng gấu”. Là người không bình thường, ngờ nghệch “vừa đi vừa nói, ngửa mặt lên trời cười hềnh hệch”. Ăn nói thô lỗ, chỉ là những câu nói ngắn, thậm chí thô tục “làm đếch gì có vợ”.
- Tràng hay đùa tếu với lũ trẻ trong xóm mỗi chiều đi làm về.
- Tràng hiền lành, chất phác, tốt bụng. Tràng mời người đàn bà xa lạ bốn bát bánh đúc. Tràng cho thị ăn không phải vì để trả ơn hay lợi dụng mà vì sự cảm thông, vì tình người.
- Tràng khao khát hạnh phúc lứa đôi, hạnh phúc gia đình, điều mà trong hoàn cảnh bình thường, với Tràng chỉ là mơ ước. Tràng nhặt vợ thật dễ dàng, chỉ bằng câu nói nửa đùa nửa thật “này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng kêu xe rồi cùng về”. Khi người phụ nữ quyết định theo mình, Tràng nghĩ “thóc gạo thế này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bồng”. Cuối cùng, anh quyết định liều lĩnh dẫn thị về.
- Tràng trân trọng người vợ nhặt. Mặc dù, người vợ được hắn nhặt về, nhưng Tràng không hề rẻ rúng. Khát vọng mái ấm gia đình đã khiến Tràng vô cùng trân trọng, coi chuyện lấy thị là một điều nghiêm túc. Khát vọng mái ấm gia đình đã khiến Tràng vượt qua lo lắng về cái đói. Tràng chật lưỡi kệ cái đói, mua cho thị cái thúng con, vài xu dầu và đưa thị về căn nhà lụp xụp rách nát của mình.
- Ẩn sâu bên trong của con người xấu xí, thô kệch ấy là cả một bầu trời nhân cách tốt đẹp. Tràng tốt bụng, hiền lành, hào hiệp và nhân hậu. Tính anh vui vẻ, nhanh nhẹn và thích nô đùa với trẻ con. Bởi vậy mỗi lần Tràng đi làm về, trẻ con trong xóm ra vây lấy hắn reo cười vang lên, khi ấy Tràng chỉ ngửa mặt lên “cười hềnh hệch”. Quả thật, tính tình Tràng vô tư chẳng khác đám trẻ con là mấy. Cũng chính vì thế mà anh đã sẳng sàn cưu mang người đàn bà xa lạ giữa nạn đói bằng một bữa ăn. Mặc dù anh cũng là tầng lớp đang bị cái đói hoành hành. Tuy nhiên “ Thương người như thể thương thân”, anh đã cứu một người đàn bà đang ở giữa ranh giới của sự sống và cái chết, sẳn sàng cưu mang thị với quyết định đưa về làm vợ. Tình thương người với người tỏa sáng hơn bao giờ hết trong một con người tưởng chừng như gàn dở, ngờ nghệch đang bị coi thường! Vẻ ngoài thô kệch chính là bàn đạp để làm nổi bật tinh thần nhân đạo, yêu thương con người của Tràng. Đó cũng chính là dụng ý của nhà văn Kim Lân. Một người ngờ nghệch như anh cu Tràng mà biết cưu mang người khác, mang trong mình những phẩm chất tốt đẹp thì những người cao hơn anh, có địa vị hơn anh đánh rơi tình người ở đâu mất rồi? Đây chính là niềm trăn trở của những nhà văn chân chính, những nhà nhân đạo, đặc biệt là những cây bút hướng về con người. Vì xét cho cùng, văn chương là vì con người, giáo dục nhân cách chúng ta!
* Diễn biến tâm lý của Tràng từ khi nhặt vợ đến sáng hôm sau:
- Trên đường về nhà: (chú ý những người dân xóm ngụ cư khi nhìn thấy Tràng và người vợ nhặt)
- “Mặt hắn có một vẻ gì phớn phở khác thường. Hắn tủm tỉm cười nụ một mình và mắt sáng lên lấp lánh”. Nghĩa là hắn rất vui, cảm thấy hạnh phúc vì đang dẫn cô vợ mới về nhà ra mắt mẹ. Đó là niềm vui mộc mạc của người đàn ông nghèo, vụng về, lần đầu được đi bên cạnh một người phụ nữ dù trong hoàn cảnh thật éo le.
- Trước con mắt tò mò của người dân xóm ngụ cư, người đàn bà “ngượng nghịu, chân nọ bước díu cả vào chân kia” còn Tràng “lại lấy vậy làm thích ý lắm, cái mặt cứ vênh lên tự đắc với mình.”
- Khi dẫn thị vào nhà: (chú ý thêm quan sát, tâm trạng của thị)
- “Xăm xăm bước vào trong nhà”, dọn dẹp sơ qua, thanh minh về cảnh nhà bừa bộn vì thiếu tay đàn bà. Lời thanh minh ngượng nghịu nhưng chân thật, đáng yêu.
- Tiếp theo, “Tràng đứng tây ngây ra giữa nhà một lúc, chợt thấy sờ sợ. Chính hắn cũng không hiểu sao hắn sợ, hắn lấm lét bước vội mấy bước ra sân”, sốt ruột mong mẹ về.
- Vì sao Tràng có tâm trạng như thế? Vì cho đến lúc này, giữa hắn và người đàn bà chưa hiểu nhau nhiều. Hắn sợ đối diện với vợ mới, hắn sợ vợ mới đổi ý, bởi gia cảnh của hắn cũng khó khăn. Hắn còn phấp phỏng sợ vì chưa xin phép mẹ, không biết bà cụ có đồng ý hay không.
- Khi thấy mẹ về: (chú ý khi Tràng đối thoại với mẹ)
- “Tràng reo lên như một đứa trẻ”.
- Tràng trịnh trọng mời mẹ vào nhà, trình bày ngắn gọn và mộc mạc câu chuyện lấy vợ đặc biệt của mình cũng là cách Tràng xin ý kiến mẹ. Tràng sốt ruột, căng thẳng chờ đợi câu trả lời của bà cụ Tứ.
- Khi bà mẹ tỏ ý mừng lòng, Tràng “thở đánh phào một cái, ngực nhẹ hẳn đi. Hắn ho khẽ một tiếng, bước từng bước dài ra sân.”
- Sáng hôm sau: (chú ý so sánh với Chí Phèo trong buổi sáng hôm sau tỉnh rượu)
- Tràng dậy muộn hơn và cảm thấy lâng lâng trong hạnh phúc “người êm ái lửng lơ như người vừa ở trong giấc mơ đi ra”.
- Tràng ngạc nhiên vì nhà cửa sạch sẽ, gọn gàng, mẹ và vợ đang dọn dẹp sân vườn.
- Tràng tự thấy mình thay đổi, thấy “thương yêu và gắn bó” với ngôi nhà.
- Tràng cảm nhận được “một niềm vui sướng phấn chấn đột ngột tràn ngập trong lòng”. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy. Đó là một điều thật bình dị nhưng có ý nghĩa vô cùng lớn lao trong cuộc đời.
- Tràng thật sự trưởng thành, ý thức được vị trí chủ nhà, là chỗ dựa cho mẹ và vợ. Tràng thấy cần phải tham gia xây dựng gia đình “Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người, hắn thấy hắn có bổn phận phải lo lắng cho vợ con sau này”, “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà” là một thay đổi quan trọng trong nhân vật Tràng: từ khổ đau sang hạnh phúc, từ chán đời sang yêu đời, từ ngây dại sang ý thức. Tràng đã có một ý thức bổn phận sâu sắc. Tràng thật sự phục sinh tâm hồn đó là giá trị lớn lao của hạnh phúc.
Hạnh phúc cuộc sống gia đình thật sự đã đến với Tràng – người đàn ông thô kệch, nghèo khổ, giữa cơn đói khát, bên bờ vực của cái chết. Vẻ đẹp của tình người lung linh tỏa sáng đã biến đổi con người, làm cho con người trở nên người hơn.
- Tràng cũng như vợ Tràng, mẹ Tràng nhen nhóm hi vọng ở tương lai qua câu chuyện của vợ Tràng “Mạn Thái Nguyên, Bắc Giang người ta không chịu đóng thuế nữa đâu” và Tràng nghĩ đến những người đi phá kho thóc của Nhật có lá cờ đỏ bay phất phới.
Giá trị độc đáo của truyện là trong cảnh đói khổ khủng khiếp, người ta không nghĩ tới cái chết mà nghĩ tới cái sống, nghĩ tới tương lai, tới sự đổi đời. Đó là niềm tin, khát vọng, là tính nhân đạo trong tác phẩm của Kim Lân.
Tóm lại, nhân vật Tràng tuy vẻ ngoài xấu xí, thô kệch lại nghèo khổ nhưng ẩn giấu bên trong là tấm lòng nhân hậu, thương người, khát khao hạnh phúc. Tràng tiêu biểu cho hình ảnh người nông dân lương thiện trong đói khổ vẫn cưu mang đùm bọc lẫn nhau, đem đến hạnh phúc cho nhau, cùng nhau hướng đến tương lai. Khẳng định con người dù sống trong hoàn cảnh nào cũng muốn sống tốt đẹp, khao khát hạnh phúc và vững tin vào tương lai.
NHÂN VẬT THỊ
- Trước khi về làm vợ Tràng:
- Thị xuất hiện trong trang văn của Kim Lân là người đàn bà không tên, không tuổi, không nghề nghiệp, không quê quán, không gia đình, bị cái đói đẩy ra lề đường. “Mỗi bận qua cửa nhà kho là thấy mấy chị con gái ngồi vêu ra ở đấy. Họ ngồi đấy nhặt hạt rơi hạt vãi hay ai có công việc gì gọi đến thì làm.”.
- Thị là hiện thân của cái đói:
+ “Hôm nay thị rách quá, áo quần tả tơi như tổ đỉa, thị gầy sọp hẳn đi, trên cái khuôn mặt lưỡi cày xám xịt chỉ còn thấy hai con mắt” -> Cách miêu tả ngắn gọn, chọn lọc chi tiết tiêu biểu, chính xác, có sức gợi.
+ Cái đói làm cho thị trở nên cong cớn, chao chát, liều lĩnh, táo tợn. Có lẽ đó là cách để tự vệ do hoàn cảnh tạo ra chứ không phải là bản chất của nhân vật.
+ Vì đói, thị không còn giữ ý tứ, sĩ diện. Tràng mời ăn, thị nói: “Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu”. Được Tràng mời ăn, “thị ngồi sà xuống… cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền, chẳng chuyện trò gì. Ăn xong thị cầm dọc đôi đũa quệt ngang miệng, thở.”
+ Cũng vì đói, thị bằng lòng theo Tràng về làm vợ.
- Trước khi trở thành vợ Tràng, thị là một người phụ nữ ăn nói chỏng lỏn, táo bạo và liều lĩnh. Lần gặp đầu tiên, thị chủ động làm quen ra đẩy xe bò cho Tràng và “liếc mắt cười tít” với Tràng. Lần gặp thứ hai, thị “sầm sập chạy tới”, “sưng sỉa nói” và lại còn “đứng cong cớn” trước mặt Tràng. Đã vậy, thị còn chủ động đòi ăn. Khi được Tràng mời ăn bánh đúc, thị đã cúi gằm ăn một mạch bốn bát bánh đúc. Ăn xong còn lấy đũa quẹt ngang miệng và khen ngon… Trong đói khát cùng cực, thị gần như đánh mất đi nhân cách, sự tế nhị của con người.
- Tình cảnh của thị thật đáng thương, tiêu biểu cho tình cảnh thê thảm của con người trong năm đói.
- Khi về làm vợ Tràng:
- Trên đường theo Tràng về, thị đi sau Tràng ba bốn bước, thị dịu dàng hẳn, “cắp cái thúng con, đầu hơi cúi xuống, cái nón rách tàng nghiêng nghiêng che khuất đi nửa mặt”, có vẻ “rón rén, e thẹn” -> Thị mặc cảm khi bị mọi người chú ý vì thị ý thức được thân phận hèn kém của mình (theo người đàn ông xa lạ vì đói).
- Thị tỏ ra “khó chịu” khi lũ trẻ trêu chọc, càng “ngượng nghịu” trước ánh nhìn và những lời bàn tán của người dân xóm ngụ cư.
- Đến nhà Tràng, nhìn gia cảnh, chị “nén một tiếng thở dài” vì thất vọng nhưng dù sao vẫn hơn là bơ vơ, vất vưởng ngoài chợ. Thị “ngồi mớm xuống mép giường”, “bần thần” nhìn ra sân, hai tay “ôm khư khư cái thúng con” -> Những biểu hiện ấy thể hiện tâm trạng lo lắng, căng thẳng của thị. Chắc thị lo mẹ anh Tràng không đồng ý. Không được chấp nhận, thị biết đi về đâu?
- Lời chào u lễ phép và “cái dáng khép nép đứng nguyên chỗ cũ” của thị cho thấy tâm trạng thị căng thẳng không kém Tràng. Thị ở trong hoàn cảnh thật khó nói, thật đáng thương. Nhưng khi cảm nhận được tình yêu thương của bà cụ, thị đã tự nhiên hơn được một chút.
- Về đến nhà, trông nếp nhà rẹo rọ của Tràng, thị nén tiếng thở dài, tiếng thở dài chấp nhận bước vào cuộc đời của Tràng. Tiếng thở dài thất vọng vì hoàn cảnh của Tràng cũng chẳng có gì khá hơn thị. Tràng đau chỉ nghèo mà còn có mẹ già, còn phải lo toan, biết có cưu mang thị nổi hay không, hay có thể sẽ khiến cuộc đời của thị thêm khổ. Hành động khép nép, tay vân vê tà áo khi đứng trước mặt bà cụ Tứ, thị thật đáng thương. Ở sâu thẳm bên trong con người này vẫn có một niềm khát khao mái ấm gia đình thực sự, bởi thế thị quyết định gắn kết với tràng, trở thành một phần trong gia đình, bất chấp ngày mai ra sao.
Có thể nói, tất cả những biểu hiện trên của thị suy cho cùng cũng là vì đói. Cái đói trong một lúc nào đó nó có thể làm biến dạng tính cách của con người. Nói điều này, chắc chắn nhà văn thật sự xót xa và cảm thông cho cảnh ngộ đói nghèo của người lao động.
- Khi trở thành vợ Tràng, thị đã trở về với chính con người thật của mình là một người đàn bà hiền thục, e lệ, lễ phép, đảm đang. Điều đó được thể hiện qua dáng vẻ bẽn lẽn đến tội nghiệp của thị khi bên Tràng vào lúc trời chạng vạng. Thị ngượng ngùng đi sau Tràng ba bốn bước, cái nón rách che nghiêng, “rón rén, e thẹn, ngượng nghịu,“chân nọ bước díu cả vào chân kia”… . Lúc này, trông thị thật tội nghiệp, cảnh cô dâu mới theo chồng về nhà: một cảnh đưa dâu không xe hoa, chẳng pháo cưới mà chỉ thấy những khuôn mặt hốc hác u tối của những người trong xóm và âm thanh của tiếng quạ, tiếng khóc hờ người chết tang thương… Hành trang bước đến với hạnh phúc của thị là cả cuộc đời đen tối và nỗi lo sợ không thể nói nên lời.
- Buổi sáng hôm sau, thị dậy sớm cùng mẹ chồng dọn dẹp, quét tước nhà cửa. Có bàn tay thị căn nhà trở nên gọn gàng sáng sủa, đầm ấm hơn. “Mấy chiếc quần áo rách như tổ đỉa vẫn vắt khướm mươi niên ở một góc nhà đã thấy đem ra sân hong. Hai cái ang nước vẫn để khô cong ở dưới gốc ổi đã kín nước đầy ăm ắp. Đống rác mùn tung bành ngay lối đi đã hót sạch.” à đảm đang, tháo vác, trách nhiệm.
- Có cái gì đó thật mới mẻ đã làm thay đổi người đàn bà ấy. Sau một ngày làm vợ, chị dậy thật sớm, quét tước, dọn dẹp cho căn nhà khang trang, sạch sẽ. Đó là hình ảnh của một người đàn bà hiền hậu, đúng mực, một người vợ biết lo toan, thu vén cho cuộc sống gia đình chứ không có vẻ gì chao chát, chỏng lỏn nữa.. Thị hiện rõ là một người vợ hiền, một cô dâu thảo. Cuộc sống có cái gì đó khởi sắc mà không ai có thể lí giải được.
- Cử chỉ thị nhìn thoáng bát “chè khoán” mẹ chồng đưa, “mắt tối lại”, “điềm nhiên và vào miệng” cho thấy thị chấp nhận hoàn cảnh và dường như thị không muốn để bà cụ buồn hơn. Đó là ý tứ, là bản chất của thị.
-> Bản chất của thị là hiền hậu, chịu thương, chịu khó. Được cưu mang đùm bọc, thị đã tỏ rõ ý thức, trách nhiệm của một người vợ, một nàng dâu, khiến Tràng phải ngạc nhiên “Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là một người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chao chát chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh.” Thị chính là người thắp sáng trong Tràng niềm tin vào tương lai. (Nếu thị trong “Vợ nhặt” là người… thì thị Nở trong truyện ngắn “Chí Phèo” là người mang ánh sáng đến cho Chí Phèo).
Tóm lại, qua nhân vật người vợ nhặt, tác giả vừa khắc họa rõ tình cảnh thê thảm của con người trong năm đói, tố cáo tội ác bọn thực dân, phát xít gây ra nạn đói khủng khiếp cho dân ta, vừa ca ngợi sức mạnh của tình yêu thương đùm bọc lẫn nhau trong đói khổ làm cho con người sống tốt hơn, chân thật hơn, đem đến giá trị hiện thực và giá trị nhân đạo cho tác phẩm. Nhân vật thị bước vào tác phẩm còn trở thành nhân tố tạo nên mối liên kết giữa các sự kiện trong truyện. Thiếu vắng hình tượng này, câu chuyện của Kim Lân sẽ không còn sức hấp dẫn.
NHÂN VẬT BÀ CỤ TỨ
- Giới thiệu chung:
- Bà cụ Tứ xuất hiện gần cuối truyện nhưng lại là điểm sáng của truyện.
- Bà cụ Tứ là một người phụ nữ nông thôn nghèo ở xóm ngụ cư.
- Hình dáng: xuất hiện vào một buổi chiều tàn của ngày đói (nhớ tới bài “Hai đứa trẻ” – Thạch Lam) cùng tiếng hung hắng ho, dáng đi lọng khọng, chậm chạp, run rẩy, lưng còng vì tuổi tác, vừa đi vừa lẩm nhẩm tính toán gì đó như thói quen của người già. Kim Lân rất khôn khéo khi lựa chọn thời điểm thích hợp để bà cụ Tứ xuất hiện, không phải là đầu câu chuyện mà lại ở giữa câu chuyện. Tác giả muốn gợi lên cái nghèo đói đến thê lương của xóm ngụ cư này, lấy nó làm nền, làm đòn bẩy để đi sâu vào phân tích diễn biến tâm lý, nội tâm của người đàn bà này.
- Bà cụ Tứ là một người mẹ nhân hậu, vị tha, giàu yêu thương. Niềm khao khát mong ước duy nhất của người mẹ là hi vọng con mình có vợ. Nhưng vì cái nghèo quẩn quanh, đeo bám mà bà không có tiền cưới vợ cho con, điều này luôn là nỗi áy náy thường trực trong tim người mẹ (Liên hệ bài “Lão Hạc” – Kim Lân). Khi anh Tràng đưa người vợ nhặt về nhà, tâm lý bà cụ đã có những thay đổi liên tục.
- Diễn biến tâm trạng bà cụ Tứ từ khi gặp thị cho đến sáng hôm sau:
- Bà ngạc nhiên vì thái độ khác thường của con trai vô tâm vô tính. Ngạc nhiên hơn vì câu mời trịnh trọng của con trai, bà “lập cập” theo con vào nhà.
- Khi bà nhìn thấy người đàn bà lạ ngồi ngay giữa nhà mình “Bà lão phấp phỏng bước theo con vào trong nhà. Đến giữa sân bà lão đứng sững lại, bà lão càng ngạc nhiên hơn. Quái, sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ? Người đàn bà nào lại đứng ngay đầu giường thằng con mình thế kia? Sao lại chào mình bằng u? Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ? Bà lão hấp hấy cặp mắt cho đỡ nhoèn vì tự dưng bà lão thấy mắt mình nhoèn ra thì phải. Bão lão nhìn kĩ người đàn bà lần nữa, vẫn chưa nhận ra người nào. Bà lão quay lại nhìn con tỏ ý không hiểu.” Người mẹ nghèo một đời khốn khó như vậy làm sao có thể không ngạc nhiên khi bà đã hiểu ra cơ sự này. Bà thương mình, thương con và thương cho người đàn bà lạ kia. Giữa cảnh chết chóc như ngả rạ, nạn đói hoành hành, cái ăn chẳng có, lại còn rước thêm người như thế này bà không lo, không buồn sao được.
- Khi nghe con trai giới thiệu cô vợ mới, tâm trạng bà cụ ngổn ngang nhiều nỗi: “Bà lão cúi đầu nín lặng” vì bà “còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự”. Bà nghĩ về con trai, về bản thân bà, về người chồng đã khuất và về người đàn bà ở đâu nay bỗng trở thành con dâu của bà… Bà vui, mừng tủi, lo âu… tất cả hòa trong dòng nước mắt nghẹn ngào “Chao ôi, người ta dựng vợ gả chồng cho con là lúc trong nhà ăn nên làm nổi, những mong sinh con đẻ cái mở mặt sau này. Còn mình thì…”. - Bà lo cho cuộc sống của các con “Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không”, “cuộc đời chúng nó liệu có hơn bố mẹ trước kia không?”. Những giọt nước mắt ấy, Tràng và cả người đàn bà kia nữa – làm sao hiểu nổi. Bà là một người mẹ bao dung và thấu hiểu cuộc đời. Bà thương mình bao nhiêu thì thương con gấp bội phần, bà cảm thấy tủi nhục khi không thể mang lại ấm no và hạnh phúc cho đứa con trai tội nghiệp. (Liên hệ “Chiếc thuyền ngoài xa”). Bà thương cho người đàn bà héo hon kia cũng vì đói, vì không còn gì nên mới theo Tràng về làm vợ “người ta có gặp bước khó khăn đói khổ này, người ta mới lấy đến con mình.”. Kim Lân rất thành công khi phác họa hình ảnh bà cụ Tứ đầy ám ảnh trong lòng người đọc.
- Diễn biến tâm lý của bà cụ Tứ thay đổi rất đột ngột, nhưng sự thay đổi đó là tín hiệu đáng mừng chứng tỏ rằng bà đã chấp nhận người vợ nhặt, cũng giống như việc chấp nhận sẽ gánh thêm cái khổ, cái đói, cái nghèo cùng với các con. Bà thật sự vui cho hạnh phúc của con. “Ừ, thôi thì các con phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng.”
- Cái cách bà cụ Tứ dặn dò đôi vợ chồng trẻ thật sự khiến người ta phải cảm phục: “Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá. Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời?”. Sự ân tình, chu đáo của người mẹ nghèo khiến đôi vợ chồng trẻ cảm động, không biết nói gì hơn, bà đã chấp nhận người vợ mới của đứa con, chấp nhận cả cái đói nghèo mà gia đình bà mang.
- Bà chia sẻ với con dâu, nói cho con dâu yên lòng rằng nhà nghèo, nếu có thì làm dăm ba mâm nhưng nhà mình nghèo nên động viên con dâu cố gắng. Chi tiết này đã cho thấy sự đồng cảm giữa một người phụ nữ nghèo với một người phụ nữ nghèo. Sự gắn kết này sẽ mang lại một hơi ấm và sức sống cho gia đình sau này.
- Bà cụ Tứ tỏ thái độ gần gũi, thương yêu, chăm sóc “nàng dâu mới”. Lời nói thật tình cảm, dịu dàng “Con ngồi xuống đây! Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân”, “Chúng mày lấy nhau lúc này u thương quá…” làm nổi bật hình ảnh một bà mẹ có tấm lòng bao dung, nhân hậu, giàu đức hi sinh.
- Trong bữa cơm ngày đói chỉ có “một lùm rau chuối thái rối, một đĩa muối ăn với cháo”, “niêu cháo lõng bõng, mỗi người được có lưng lưng hai bát” và nồi cháo, “chè khoán” bà cụ Tứ vẽ ra một tương lai khá hơn khi nói với Tràng: “Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà… ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà…” -> Hiện thực trước mắt là cái chết bủa vây, đe dọa. Vậy mà, bà cụ Tứ vẫn tỏ ra lạc quan, hướng các con nhìn tới tương lai để mà hi vọng, có đủ nghị lực sống.
- Bà cụ Tứ là một người mẹ lạc quan: bà kể toàn chuyện vui cho các con nghe với hi vọng có một tương lai đỡ khổ, đỡ nhọc nhằn hơn. Một tình yêu đáng ngưỡng mộ trong hoàn cảnh khắc nghiệt. Hiện thực dường như không thể đánh gục được tình yêu thương giữa con người với con người với nhau.
Tóm lại, Bà cụ Tứ tiêu biểu cho những mẹ Việt Nam nghèo khổ, lam lũ cực nhọc mà giàu tình thương con, thương người, nhân ái, bao dung, là chỗ dựa tinh thần vững chắc cho các con. Chính niềm vui, niềm tin vào cuộc sống ngày mai, hướng con người vào những hoạt động tích cực, thiết thực để tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn. Nhân vật bà cụ Tứ cho ta bài học sâu sắc về niềm tin trong cuộc sống.
III. TỔNG KẾT VỢ NHẶT:
- 1. Nội dung:
- Truyện ngắn “Vợ nhặt” của Kim Lân không chỉ miêu tả tình cảnh thê thảm của người nông dân nước ta trong nạn đói khủng khiếp của năm 1945 mà còn thể hiện được bản chất tốt đẹp và sức sống kì diệu của họ: ngay bên bờ vực của cái chết, họ vẫn hướng về sự sống, khát khao tổ ấm gia đình và thương yêu đùm bọc lẫn nhau. Nội dung nhân đạo sâu sắc và cảm động đó được thể hiện qua một tình huống truyện độc đáo, cách kể chuyện hấp dẫn, miêu tả tâm lí khá tinh tế, dựng đối thoại sinh động.
- 2. Nghệ thuật:
- Tạo tình huống truyện độc đáo, đem lại giá trị nhiều mặt cho tác phẩm.
- Dựng không khí chân thực, kể chuyện tự nhiên, chặt chẽ.
- Ngôn ngữ mộc mạc, chất phác được chọn lọc kĩ nên có sức gợi.
- Miêu tả tâm lý nhân vật sắc sảo, hóm hỉnh và tinh tế tạo được sức hấp dẫn cho truyện.